Yêu như khói
Những ngày xa quê sao mà nhớ. Nhìn đâu cũng nhớ, thấy ánh trăng treo bên ngoài cửa sổ mà không dám nhìn lâu, hồi trước đọc thơ văn cứ thấy người ta hay nhắc tới người xa quê nhìn trăng là nhớ nhà, hồi đó không hiểu vì sao. Bây giờ thì biết rồi, bởi trăng ở đâu cũng là trăng, đứng đâu cũng thấy, cũng giống như cho dù đi đến đâu, lâu đến mức nào, nỗi niềm quê hương như ngọn gió qua nương, vướng núi vướng sông nên cứ vấn vương chi lạ.
Mà nhớ là nhớ vườn rau mẹ trồng, cứ đến mùa mưa về ra lá xanh um, cũng nhớ luôn con chó ở nhà, suốt ngày ăn rồi nằm, chỉ được cái khoản cứ có khách tới, bất kể thân quen là vẫy đuôi rối rít. Anh tư hay nói con chó ăn hại chứ có được gì đâu, hông có phân biệt người xa kẻ lạ, để bữa nào tao đem cho thằng bạn làm bốn món cho rồi. Ba chưởi anh Tư, thằng bạt mạng. Thiệt tình trước giờ mình chưa từng nếm qua thịt chó, đọc cuốn Hà Nội ba sáu phố phường của Thạch Lam thấy viết thịt chó ngon gấp hai lần thịt gà, bốn lần thịt bò mà hông biết nó ra làm sao. Anh Tư hứa với mình hè về ảnh dẫn cho đi ăn, vậy mà đến mấy mùa hè rồi, lần nào mình cũng hông có dám đi. Cũng không biết sợ hay là ngại nữa, con gái con lứa gì ra quán thịt chó ngồi. Má mình nói anh Tư chiều hư mình, con gái con lứa ra quán nhậu ngồi vô duyên lắm. Anh Tư cười, con thấy cả đống đứa ra đó ngồi chứ có sao đâu. Má mình quát, tao nói không là không nha.
Có những điều bình thường, khi xa xôi khiến lòng người chơi vơi khôn tả. Để mỗi khi ánh hoàng hôn khuất sau dãy núi xa kia, xa lăng lắc mà sao như thể ở cạnh bên, đượm mùi ký ức. Và trong tất cả những giấc mơ về quê nhà, bóng dáng anh bao giờ cũng bảng lãng như sương mai, mà ướt cả tóc người đêm trăng dạo. Trong những bức thư gửi cho nhau, chẳng bao giờ mình nói với anh những lời thương nhớ, mà anh cũng vậy. Trừ những thăm hỏi bình thường, còn thì phần lớn là kể cho mình nghe những chuyện anh đang làm, những điều anh đang nghĩ và tương lai anh ấp ủ về những ước mơ xa.
Nhỏ bạn cùng phòng nói mầy yêu sao nhạt như nước ốc, yêu mà sao giống hông yêu. Mình cũng thấy đúng thật, nhỏ bạn với người yêu lúc thì cãi nhau nước mắt ngắn dài, lúc thì vui như hội, nói cười tíu tít. Nó cho mình xem mấy tin nhắn mà nó với người yêu trao đổi, coi mà muốn nổi hết da gà, da vịt luôn. Nhỏ bạn chưởi mình, nhỏ này chắc bị chứng máu lạnh, may là người yêu mầy cũng máu lạnh như thế, đúng là nồi nào úp vung nấy, toàn dân học văn mà khô như ngói, yêu như khói.
Những lời nhỏ bạn khiến mình suy nghĩ. Thì cũng đúng là mình với anh không hay nói những câu lãng mạn. Cho dù có ngày ngày ở bên cạnh, hai đứa cũng chỉ cười nhiều, nói ít và nhiều lắm thì cũng chỉ nắm tay. Chỉ lúc mình lên máy bay anh mới dám ôm mình, mà chỉ ôm sơ sơ thôi, như sợ mình đau, rồi lặp tức buông ra, nhường phần cho mấy đứa bạn khác. Mà cũng may ba má mình đã về sớm, chứ nếu có ba má đứng đó, chắc mình cũng không cho ôm, mà anh cũng không dám luôn. Bạn bè hay nói anh với mình, chắc thuộc người cõi trên.
Mình thường nhớ những lần soi mình trong mắt anh, khi hai đứa đứng ngoài ban công ngắm cái ao phía sau trường. Hồi đó mình học tầng bốn, nhìn từ ban công chếch về phía sau trường có một cái ao hay hồ gì đó, mình không chắc, khá là to, nước cũng xanh mà giàn bí nhà ai trồng khiến mình nhớ nhà khôn tả. Cho nên những lúc ra chơi mình hay ra ban công dõi mắt về phía mặt nước trong xanh, nhớ con sông quê mình da diết, chắc giờ này nước vẫn xanh, rồi giàn mùng tơi mẹ trồng trái vẫn buông từng chùm trong nắng quê dịu như tơ trời mùa hạ. Có lần mình đang ngẩn ngơ thơ thẩn thì nghe có tiếng gọi, bạn ơi thầy sắp vô kìa bạn, mình quay ra thấy dáng thầy dạy tâm lý đang lừ lừ tiếng lại, thầy nện gót chân trên nền gạch mà sao giống nện trên tim thỏ đế của mình. Mình sợ nhất là môn tâm lý, năm ngoái thầy đã cho rớt hai phần ba lớp, năm nay nghe đồn thầy đang có dự định đóng góp thêm ngân sách nhà trường (bằng cách cho càng nhiều sinh viên học lại). Mà thầy lại chúa ghét sinh viên từ đi trễ cho đến nói chuyện trong lớp, đặc biệt hông có cảm tình với mấy đứa học văn. Rủi mình mà vào trễ là cầm chắc tương lai mì tôm nhiều tháng, cho nên khi nghe có người nhắc mình không suy nghĩ nhiều ba chân bốn cẳng phóng vào lớp, vô đến chỗ mà còn tim đập chân run. Học môn tâm lý kiểu này mà không bị bệnh tim mới lạ chứ. Rồi từ ngày đó bên ban công có thêm người đứng, cả năm trời học chung mà giờ mới biết trong lớp có một người quê ở Bình Định, cũng thích ngắm sông nước miên man nhất là khi hoàng hôn lững lờ trôi qua nắng.
Mình ít nói, anh cũng ít nói y chang, đôi khi chỉ yên lặng và nhìn ra khoảng không gian dịu dàng đong đưa nổi nhớ quê trong lòng những đứa học trò xa xứ. Đôi khi anh kể cho mình nghe về một miền quê nghèo, núi liền núi, sông dốc chảy ánh trăng dằng dặc sóng, không giấu được cái tình cố hương dìu dịu, thân thương. Mình cũng kể cho anh nghe con sông quê mình những mùa nước lớn, hay khi đám lục bình dạt qua ngõ, mùa điên điển nở hòa vàng cả miền sông nước lênh đênh. Trong những năm tháng ấy, tuy chẳng ai nói với ai, nhưng ai cũng hiểu chia ly là điều không tránh khỏi, anh yêu miền quê nắng chói chang triền dốc trãi dài, mình cũng không thể lìa xa con sông ôm cả một vùng ký ức những ngày thơ.
Cứ ngỡ rồi tình sinh viên như giọt cà phê những chiều mưa đều đều rơi bên quán cóc, nhưng năm tháng trôi dần, cách xa chưa bao giờ khiến người ta quên được, chẳng lẽ có nhiều thứ trên đời là có thật? Sau khi tốt nghiệp anh về quê đứng lớp, trở thành giáo viên dạy văn ở một thị trấn đìu hiu vắng vẻ. Bạn bè nhiều đứa nói anh điên, cầm tấm bằng ngữ văn loại giỏi chui về một cái xó xa xôi cách trở, nhiều đứa tiếc cho mình, khuyên mình giữ chân anh lại chốn thị thành, tương lai nhiều hi vọng. Anh không hỏi ý mình, mình cũng chẳng khuyên, trong những bức thư anh không nhắc chuyện tương lai, chỉ có những ước mơ là cháy sáng, hệt như ánh trăng quê anh, cao và trong xanh chi lạ. Mình chỉ được ngắm một lần, mà tương tư đến quên cả đất trời miền sông nước.
Giờ đây cách nhau đến năm sáu tiếng máy bay, xa như thể nhớ thương rồi cũng đành theo gió, theo mây, trôi về khoảng trời vô định. Anh chưa bao giờ hứa hẹn, mình cũng không muốn những thứ quá khó khăn để tin tưởng và nắm bắt. Khi người ta trưởng thành, người ta sẽ không thể yên tâm với những câu chuyện cổ tích. Nhưng những câu chuyện cổ tích vẫn luôn luôn tồn tại, phải chăng để thắp sáng những ước mơ giữa bộn bề những toan tính thiệt hơn. Cho nên nơi đất khách quê người mình vẫn nhớ hoài vườn rau mẹ trồng, nhớ lời hứa của anh Tư dẫn mình ra quán nhậu, và nhớ luôn ai đó với những bức thư từ miền đất xa, gói cả khói sương cho nên giống như con bạn cùng phòng, monh manh chi lạ…
0 nhận xét:
Đăng nhận xét